Rơ-le là một loại linh kiện điện tử thụ động rất hay gặp trong các ứng dụng thực tế. Khi bạn gặp các vấn đề liên quan đến công suất và cần sự ổn định cao, ngoài ra có thể dễ dàng bảo trì, thì rơ-le chính là cái bạn cần tìm. Vì vậy, hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về relay và các ứng dụng của nó trong cuộc sống!
Relay (rơ-le) là gì?
Từ rơ-le là từ vay mượn từ tiếng nước ngoài (cụ thể là tiếng Pháp) nên trong từ đó không bao hàm ý nghĩa gì nhiều. Vì vậy, tôi sẽ sử dụng những linh kiện điện tử khác mà chắc chắn bạn đã biết rồi để diễn giải.
Rơ-le là một công tắc (khóa K). Nhưng khác với công tắc ở một chỗ cơ bản, rơ-le được kích hoạt bằng điện thay vì dùng tay người. Chính vì lẽ đó, rơ-le được dùng làm công tắc điện tử! Vì rơ-le là một công tắc nên nó có 2 trạng thái: đóng và mở. "Khi nào nó đóng? Khi nào nó mở? và làm sao thay đổi được trạng thái của nó?,..." đó chính là những câu hỏi mà chúng ta cần tìm kiếm câu trả lời trong bài viết này.
Một module relay kiểu mẫu
Các loại rơ-le và cách xác định trạng thái của nó
Trên thị trường chúng ta có 2 loại module rơ-le: module rơ-le đóng ở mức thấp (nối cực âm vào chân tín hiệu rơ-le sẽ đóng), module rơ-le đóng ở mức cao (nối cực dương vào chân tín hiệu rơ-le sẽ đóng). Nếu so sánh giữa 2 module rơ-le có cùng thông số kỹ thuật thì hầu hết mọi linh kiện của nó đều giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ cái Transistor của mỗi module. Chính vì cái transistor này nên mới sinh ra 2 loại module rơ-le này đấy (có 2 loại transistor là NPN - kích ở mức cao, và PNP - kích ở mức thấp).
Làm sao để nhận biết được module rơ-le nào thuộc loại nào? Thực sự thì mình nghĩ có 3 cách thôi, nếu có những cách khác hay hơn thì bạn hãy chia sẻ cho mọi người ở phần bình luận nhé:
-
Hỏi người bán và sau khi mua về chúng ta đặt ngăn nắp, loại nào ra loại đấy.
-
Kiểm tra module rơle bằng cách thử cấp nguồn vào các chân điều khiển (các chân điều khiển là gì và kiểm tra như thế nào, mình sẽ diễn giải ở dưới)
-
Tìm trên google thử tên của loại transistor mà module rơ-le đó dùng, nếu là loại NPN là module rơ-le kích ở mức cao, và nếu là PNP thì module rơ-le ấy là loại kích ở mức thấp.
Module relay kích ở mức cao
Module relay kích ở mức thấp
Thông số của một module relay
Một module rơ-le được tạo nên bởi 2 linh kiện thụ động cơ bản là rơ-le và transistor, nên module rơ-le có những thông số của chúng. Nói như thế thật phức tạp, nên mình có cách khác và sẽ liệt kê ngay cho bạn ở dưới đây.
-
Hiệu điện thế kích tối ưu
- Cái này bạn phải hỏi người bán và người bán sẽ đáp ứng đúng loại phù hợp với bạn. Ngoài ra bạn có thể xem ảnh dưới (mục số 5)
-
Chẳng hạn, bạn cần một module relay sẽ làm nhiệm vụ bật tắt một bóng đèn (220V) khi trời tối từ cảm biến ánh sáng hoạt động ở mức 5-12V thì bạn bảo họ bán loại module relay 5V (5 volt) hoặc module relay 12V (12 volt) kích ở mức cao
-
Các mức hiệu điện thế tối đa và cường độ dòng điện tối đa của đồ dùng điện khi nối vào module rơ-le
-
Cái này bạn xem phía trên relay thôi. Bạn xem ví dụ về hình ảnh ở dưới nhé
-
10A - 250VAC: Cường độ dòng điện tối đa qua các tiếp điểm của rơ-le với hiệu điện thế <= 250V (AC) là 10A.
-
10A - 30VDC: Cường độ dòng điện tối đa qua các tiếp điểm của rơ-le với hiệu điện thế <= 30V (DC) là 10A.
-
10A - 125VAC: Cường độ dòng điện tối đa qua các tiếp điểm của rơ-le với hiệu điện thế <= 125V (AC) là 10A.
-
10A - 28VDC: Cường độ dòng điện tối đa qua các tiếp điểm của rơ-le với hiệu điện thế <= 28V (DC) là 10A.
-
SRD-05VDC-SL-C: Hiện điện thế kích tối ưu là 5V.
Cách sử dụng Module Rơle
Vì sao đến bây giờ mình mới nói đến cách sử dụng rơ-le? Bởi vì mình muốn các bạn nắm các thông số cơ bản trước nhằm tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra...
Rơ-le bình thường gồm có 6 chân. Trong đó có 3 chân để kích, 3 chân còn lại nối với đồ dùng điện công suất cao.
-
3 chân dùng để kích
-
+: cấp hiệu điện thế kích tối ưu vào chân này.
-
- : nối với cực âm
-
S: chân tín hiệu, tùy vào loại module rơ-le mà nó sẽ làm nhiệm vụ kích rơ-le
-
Nếu bạn đang dùng module rơ-le kích ở mức cao và chân S bạn cấp điện thế dương vào thì module rơ-le của bạn sẽ được kích, ngược lại thì không.
-
Tương tự với module rơ-le kích ở mức thấp.
-
-
-
3 chân còn lại nối với đồ dùng điện công suất cao:
-
COM: chân nối với 1 chân bất kỳ của đồ dùng điện, nhưng mình khuyên bạn nên mắc vào đây chân lửa (nóng) nếu dùng hiệu điện thế xoay chiều và cực dương nếu là hiệu điện một chiều.
-
ON hoặc NO: chân này bạn sẽ nối với chân lửa (nóng) nếu dùng điện xoay chiều và cực dương của nguồn nếu dòng điện một chiều.
-
OFF hoặc NC: chân này bạn sẽ nối chân lạnh (trung hòa) nếu dùng điện xoay chiều và cực âm của nguồn nếu dùng điện một chiều.
-
Hehe, bây giờ, bạn hãy xây dựng làm ví dụ sau:
Phần cứng
-
Breadboard
-
Dây cắm Breadborad
-
Module rơ-le 5V kích hoạt ở mức cao
-
Quạt CPU (tên gọi khác là quạt 12V, quạt máy tính). Nếu không có thì bạn thay thế cho mình bằng một bé đèn LED siêu sáng với điện trở nối vào cực dương khoảng 1kOhm.
-
Bộ nguồn 12V hoặc pin vuông 9V.
-
Một bộ nguồn 5V (nếu không có thì bạn lấy nguồn 5V từ Arduino Uno cũng được)
-
1 Button (nút nhấn)
-
1 Điện trở 1kOhm
Lắp mạch
Kích vào để xem hình ảnh lớn
Lời kết
Bây giờ bạn đã biết sử dụng module relay rồi đấy, hãy chế tạo ngay cho mình một mạch điều khiển đèn tự động bật khi trời tối hoặc là một hệ thống kéo đồ vào khi trời mưa với mạch cảm biến mưa,... Hãy sáng tạo nào!
Linh kiện VietNic hẹn các bạn ở bài viết khác.
Xem thêm bài viết hữu ích khác:
-
Đèn led là gì?Tại sao đèn led được ứng dụng làm biển led quảng cáo?
-
Cách sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim - Linh kiện điện tử Vietnic