Cách sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim (Tiếp)

Đăng bởi Điện Tử VIETNIC vào lúc 04/07/2018

Cách sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim (Tiếp)

 

Đồng hồ vạn năng hiển thị kim là một thiết bị không thể thiếu được trong trong việc sửa chữa điện tử nói chung và sửa chữa điện tử công nghiệp tại Đà Nẵng nói riêng. Tuy nhiên có nhiều người không biết cách sử dụng hoặc sử dụng đồng hồ vạn năng không đúng cách dẫn đến những hư hỏng không đáng có hoặc đo các thông số điện bị sai. Do đó, Vietnic có bài viết hướng dẫn các bạn sử dụng loại đồng hồ vạn năng này. Ở phần trước Vietnic đã giới thiệu đến các bạn cách sử dụng đồng hồ vạn năng để đo dòng điện và đo điện trở. Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về cách sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo các thông số điện khác nhé!

Bạn nào chưa đọc cách sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim (Phần 1) thì nên đọc trước khi tiếp tục đọc bài viết này nhé!

Ok, bây giờ chúng ta tiếp tục tìm hiểu về các cách sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo các thông số điện.

Sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo điện áp

Chúng ta có thể sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo điện áp một chiều V.DC và điện áp xoay chiều V.AC. Cách đo như sau:

Bước 1: Cắm que đo màu đen vào đầu COM, que đo màu đỏ vào đầu (+)

Bước 2: Đặt chuyển mạch ở thang đo DC.V(AC.V) lớn hơn nhưng gần nhất với giá trị cần đo để kết quả đo là chính xác nhất. Ví dụ: đo điện áp 220V thì có 2 thang lớn hơn là 250V và 1000V, nhưng thang 250V sẽ cho kết quả chính xác hơn.

Bước 3: Đặt 2 que đo vào 2 điểm cần đo (Đo song song). Que đen vào điểm có điện thế thấp, que đỏ vào điểm có điện thế cao(trường hợp đo điện áp 1 chiều) và không cần quan tâm đến cực tính của đồng hồ(trường hợp đo điện áp xoay chiều).

Bước 4: Đọc kết quả và tính giá trị thực của điện áp theo công thức: V = A x (B/C)

Trong đó:

V-  là giá trị điện áp thực

A- Là số chỉ của kim đọc được trên cung chia độ

B- Là thang đo đang sử dụng

C- Là giá trị MAX của cung chia độ

Tỷ lệ B/C là hệ số mở rộng

Chú ý:

Khi sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo điện áp một chiều và điện áp xoay chiều cần chú ý:

+ Khi điện áp cao hơn 250V, cần ngắt nguồn điện, nối dây đồng hồ vào điểm cần đo, sau đó mới bật nguồn. Không chạm vào dây đo đồng hồ, ghi lại kết quả đo, tắt nguồn rồi mới tháo dây đo đồng hồ ra khỏi điểm cần đo.

+ Không để chuyển mạch ở vị trí thang đo mA hay Ω, nếu không đồng hồ sẽ hỏng.

+ Không cắm que đo sang đầu đo dòng điện 15A xoay chiều.

+ Để đồng hồ ở thang đo một chiều mà đo điện áp xoay chiều, kim chỉ thị sẽ không lên, tuy nhiên dòng qua đồng hồ lớn có thể làm hỏng đồng hồ.

+ Đặt đồng hồ ở vị trí đo điện áp xoay chiều mà đo điện áp 1 chiều, kim đồng hồ vẫn lên nhưng kết quả là không chính xác.

+ Đối với thang đo xoay chiều 10V cần đọc ở cung chia độ riêng của nó thì kết quả mới chính xác (cung D10)

Tính giá trị điện áp 1 chiều

Tính giá trị điện áp 1 chiều

Tính giá trị điện áp xoay chiều

Tính giá trị điện áp xoay chiều

Sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo chỉ số Li và Lv

*Xác định dòng chạy qua Li lớp tiếp giáp P-N và sụt áp trên nó Lv

Chúng ta có thể sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để xác định dòng chạy qua Li lớp tiếp giáp P-N và sụt áp trên nó Lv. Cách đo như sau:

Bước 1: Cắm que đo màu đen vào đầu COM, que đo màu đỏ vào đầu (+)

Bước 2: Đặt chuyển mạch của đồng hồ ở thang Ω.

Bước 3: Chập que đo để chỉnh 0Ω mỗi khi chuyến thang đo như trường hợp đo điện trở

Bước 4: Đọc giá trị trên cung chia độ LI (cung G) và LV (cung H), tùy thang đo ta có hệ số mở rộng theo bảng dưới đây:

Bảng hệ số mở rộng ở các thang đo Li, Lv

Bảng hệ số mở rộng ở các thang đo Li, Lv

*Kiểm tra lớp tiếp giáp P-N

Để kiểm tra diode đặt chuyển mạch về vị trí X 10Ω và đo 2 chiều theo sơ đồ:

kiểm tra diode với đồng hồ vạn năng hiển thị kim

Hình trên là cách dùng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để kiểm tra diode. Trong hình trên IT là dòng điện qua diode theo chiều thuận, là IN dòng điện qua diode theo chiều ngược.

Quan sát trên cung chia độ đo điện trở thì do IN << IT nên RN >> RT.

Trên cung LV thì theo chiều thuận  giá trị này khoảng 0,5 – 0,7V đối với bán dẫn Silicon và 0,2 – 0,4V đối với bán dẫn Germanium.

Sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim cũng có thể kiểm tra diode phát quang (LED). Cách làm cũng tương tự như kiểm tra diode thường, khi phân cực thuận LED sẽ phát sáng và giá trị đọc được trên cung LV khoảng 1,5 – 2,2V. Khi kiểm tra LED nhỏ (Φ3mm) thì để ở thang X 10Ω, kiểm tra LED lớn (Φ5- Φ10mm) thì để thang X 1Ω.

Chú ý:

Khi sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo chỉ số Li, Lv:

+ Ngắt nguồn trước khi đo điện trở trong mạch. Không bao giờ được đo điện trở trong mạch đang được cấp điện.

+ Không để đồng hồ ở thang đo điện trở mà đo điện áp và dòng điện vì như vậy đồng hồ sẽ hỏng ngay lập tức.

+ Ở thang đo điện trở, que đo màu đen tương ứng với cực dương của nguồn pin trong đồng hồ, que đo màu đỏ tương ứng cực âm. Điều này cần chú ý khi đo linh kiện có cực tính như diode, transistor…

+ Khi dùng thang đo Ω để đo các linh kiện, dòng điện chạy qua nó là Li, dòng điện này gây sụt áp trên nó là Lv. Dùng thang đo điện trở, đọc kết quả trên cung chia độ Li (cung G) và LV (cung H) sẽ biết được 2 thông số này. Các thông số này đặc biệt cần thiết đối với các tiếp giáp P-N.

Cách đo các thông số của tiếp giáp P-N các bạn có thể xem thêm ở hình sau:

đo các thông số của tiếp giáp P-N

Tìm hiểu thêm: Giới thiệu về điện trở, phân loại và ứng dụng

Sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo hệ số hFE

Chúng ta có thể sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo hệ số khuếch đại dòng tĩnh của transistor hFE .Cách đo như sau:

Bước 1: Chuyển mạch ở thang đo hFE (hay thang đo X10Ω)

Bước 2: Chỉnh 0ΩADJ ở thang đo này

Bước 3: Tùy loại transistor mà mắc theo sơ đồ dưới đây:

 Sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo hệ số hFE

Khi đổi loại transistor thì phải đổi lại chân que đo.

+ Ban đầu ta chỉ nối cực đồng hồ vào cực C và E (cực B để hở), kim đồng hồ chỉ giá trị dòng rò của transistor. Nếu giá trị này lớn thì transistor bị hỏng.

+ Nối thêm que đo vào cực B của transistor, kim đồng hồ sẽ quay, góc quay phụ thuộc vào giá trị hFE của từng transistor. Đọc giá trị này trên cung chia độ hFE (cung F). Nếu khi nối thêm que đo vào cực B mà kim đồng hồ không chuyển động thì transistor bị hỏng.

Chú ý:

+ Khi đo hFE , chú ý không chạm tay đồng thời vào 2 cực của transistor.

+ Không đo hFE  khi transistor đang ở trong mạch.

+ Để đo hệ số khuếch đại dòng tĩnh của transistor (hFE ) của transistor cần có bộ dây đo riêng hoặc phải có điện trở phân cực để cung cấp dòng điện vào cực B cho transistor.

Bộ que đo để xác định hFE của transistor

Bộ que đo để xác định hFE của transistor

+ 2 đầu đo thang Ω của đồng hồ được mắc trực tiếp vào cực C và E của transistor, nguồn pin 3V trong đồng hồ cung cấp điện áp UCE cho 2 cực này. Điện trở R nối giữa cực C và cực B của transistor nhằm cung cấp dòng điện IB cho transistor, ta có:

IB = IR = UBC / R = (UCE – UBE) / R

Với UCE = 3V (nguồn 2 pin) và UBE » 0,6V(đối với transistor silicon), R =24 kΩ ta có: IB» 0,1mA = 100uA.

Hệ số khuếch đại dòng tĩnh của transistor:  hFE = IC / IB do dòng IB đã biết nên chỉ cần đo IC là biết được hFE .

Nếu bạn chưa biết transistor là gì hãy đọc ngay bài viết: Transistor là gì? Có bao nhiêu loại transistor?

Sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo dòng rò của transistor ICE0

Chúng ta có thể sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo dòng rò của transistor ICE0 .Cách đo như sau:

Bước 1: Cắm que đo màu đen vào đầu COM, que đo màu đỏ vào đầu (+)

Bước 2: Đặt chuyển mạch của đồng hồ ở thang X 1kΩ hoặc X 10kΩ.

Bước 3: Chập que đo để chỉnh 0Ω mỗi khi chuyến thang đo như trường hợp đo điện trở.

Bước 4: Kết nối que đo đến chân transistor theo sơ đồ như hình sau:

Cách đo ICE0 với đồng hồ vạn năng hiển thị kim

Cách đo ICE0 với đồng hồ vạn năng hiển thị kim

Thể hiện mạch điện bên trong của đồng hồ vào sơ đồ đo dòng dò ICE0  của transistor ngược ta được sơ đồ sau:

Sơ đồ đo dòng điện rò ICE0 của transistor

Sơ đồ đo dòng điện rò ICE0 của transistor

Bước 5: Đọc và tính giá trị dòng điện rò ICE0 của transistor

+ Dòng điện ICE0 trên hình chính là dòng điện rò của transistor. Giá trị dòng điện này được đọc trên cung Li của đồng hồ.

+ Với transistor Silicon, dòng điện rò này rất nhỏ nên hầu như kim chỉ thị của đồng hồ gần như không nhúc nhích. Nếu kim đồng hồ lên nhiều thì có thể transistor bị hỏng.

+ Với transistor Germanium, dòng điện rò này khá lớn khi transistor vẫn còn tốt. Tùy theo loại transistor mà dòng rò này lớn hay nhỏ, nhưng nhìn chung với loại transistor công suất nhỏ thì dòng rò cỡ 0,1 – 2mA còn loại công suất lớn cỡ 1 – 5mA. Nếu dòng rò của transistor lớn hơn giá trị này thì có thể transistor bị hỏng.

Chú ý:

+ Dòng điện rò của transistor là dòng IC khi chưa có dòng phân cực IB, dòng điện này thay đổi đáng kể không theo điện áp UCE , nhưng nó thay đổi theo đặc trưng của từng loại transistor. Chú ý, dòng điện rò rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ (nhiệt độ tăng 100C thì nó tăng khoảng hai lần)

+ Khi đo ICE0 , không chạm tay vào cực Base của bóng bán dẫn. Vì nếu chạm tay vào sẽ có dòng điện cực Base và tăng ICE0 .

Sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo dB với tín hiệu ra tần số thấp

* dB là gì?

dB (decibel) là một đơn vị dùng để đo tỉ lệ giữa đầu ra và đầu vào của mạch khuếch đại hoặc một mạch truyền đạt, mạch hồi tiếp…tần số thấp. Tỷ lệ này được tính theo hàm logarit cơ số 10 (gọi tắt là hàm loga), tai người cũng cảm nhận cường độ âm thanh theo hàm loga của công suất âm thanh. Giá trị biểu diễn các tỷ lệ này theo hàm loga là dB, một Decibel bằng một phần mười Bel (đơn vị Bel ít dùng).

*Cách sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo dB với tín hiệu ra tần số thấp

Chúng ta có thể sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo dB với tín hiệu ra tần số thấp .Cách đo như sau:

Bước 1: Cắm que đo màu đen vào đầu COM, que đo màu đỏ vào đầu (+)

Bước 2: Đặt chuyển mạch của đồng hồ ở thang AC.V.

Bước 3: Đọc và tính giá trị dB

Đối với thang AC.V – 10V đọc trực tiếp cung chia độ dB (cung I -10 ÷ +22dB). Đối với các thang đo AC.V khác cũng đọc giá trị trên cung dB và tính hệ số mở rộng theo bảng sau:

Bảng hệ số mở rộng ở các thang đo dB

Bảng hệ số mở rộng ở các thang đo dB

Chú ý:

+ Nếu điện trở tải không đổi, hai giá trị công suất được so sánh với nhau thông qua tỉ lệ hai giá trị điện áp (hoặc dòng điện) ở đầu ra và đầu vào theo dB. Để đơn giản thường người ta đo tỉ lệ điện áp giữa đầu ra và đầu vào.

+ Các thông số dB trên thang đo được tham chiếu đến ngưỡng chuẩn 0dB - là công suất 0,001 watt (một miliwatt), hoặc điện áp AC 0.775V trên điện trở tải 600Ω. Do đó, đầu ra trong một mạch có trở kháng 600Ω có thể được đọc trực tiếp từ thang đo dB. Khi trở kháng của một mạch không phải 600 ohm, kết quả đọc trên thang dB chỉ đơn giản là kết quả của đo điện áp AC trên thang dB tương ứng.

Sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo tín hiệu ra có tần số thấp

Chúng ta có thể sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim để đo tín hiệu ra có tần số thấp. Cách đo như sau:

Bước 1: Cắm que đo màu đen vào đầu COM, que đo màu đỏ vào đầu Output.

Bước 2: Chọn thang đo phù hợp với biên độ tín hiệu vào (giống trường hợp đo AC.V)

Bước 3: Đọc giá trị

Đọc kết quả tại cung chia độ AC.V hoặc decibel

Chú ý:

+ Cách đo này dùng để đo, phát hiện tín hiệu tần số thấp ở các bộ khuếch đại như mạch khuếch đại âm tần, mạch đồng bộ, mạch quét của TV. Với cách đo này có tụ điện cách ly nhằm loại bỏ thành phần 1 chiều của tín hiệu xoay chiều (cắt bỏ offset), tín hiệu đo là thuần xoay chiều.

+ Khi đo điện áp cao hơn 250V, cần ngắt nguồn điện, nối dây đồng hồ vào điểm cần đo, sau đó mới bật nguồn. Không chạm vào dây đo đồng hồ, ghi lại kết quả đo, ngắt nguồn rồi mới tháo dây đo đồng hồ ra khỏi điểm cần đo.

+ Không để chuyển mạch ở vị trí thang đo mA hay Ω, nếu không đồng hồ sẽ hỏng.

+ Đầu OUTPUT được cách ly với đầu (+) của đồng hồ bằng 1 tụ điện, do đó nếu tần số tín hiệu lớn quá hay nhỏ quá đều ảnh hưởng đến kết quả đo. Để hiệu chỉnh kết quả đo bạn có thể sử dụng sơ đồ sau:

Đặc tuyến theo tần số của thang đo OUTPUT

Đặc tuyến theo tần số của thang đo OUTPUT

Kết luận

Vậy là chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu xong các cách sử dụng đồng hồ vạn năng hiển thị kim. Khó mà nhớ được hết các cách đo của loại đồng hồ vạn năng này vậy nên đừng ngần ngại mà hãy lưu lại kiến thức hữu ích này để dùng khi cần nhé!

Chỉ với 100.000đ bạn đã có thể sở hữu một chiếc đồng hồ vạn năng với biết bao tính năng hữu ích. Tại sao không tậu ngay một “em” về để phục vụ cho công việc sửa chữa điện tử hay hỗ trợ cho việc học của mình hoặc là kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình nhỉ ! Nếu bạn có nhu cầu mua đồng hồ vạn năng hiển thị kim và đồng hồ vạn năng điện tử hãy đến với Vietnic.

Cửa hàng linh kiện điện tử Vietnic chuyên cung cấp các loại đồng hồ vạn năng, các linh kiện điện tử chính hãng và cung cấp LED quảng cáo tại Đà Nẵng hân hạnh được đồng hành cùng thành công của bạn! Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng comment bên dưới để được hỗ trợ tư vấn một cách nhanh chóng. Hoặc liên hệ với chúng tôi qua:

Địa chỉ : 816 Tôn Đức Thắng, P. Hòa Khánh, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng

ĐT : 0905601343

Website : www.vietnic.vn

Xem thêm các bài viết hữu ích:

1. Cách sử dụng đồng hồ vạn năng điện tử

2. Hướng dẫn điều khiển động cơ bước với IC Driver A4988

3. Tìm hiểu về Transistor trường FETs

4. Hướng dẫn thiết kế bảng hiệu led quảng cáo với phần mềm Corel( Cách 1)

5. Giới thiệu chung về cảm biến và cảm biến công nghiệp

Tags : cửa hàng linh kiện điện tử, Cung cấp LED quảng cáo tại Đà Nẵng, cung cấp linh kiện điện tử tại Đà Nẵng, Linh kiện điện tử, linh kiện điện tử tại đà nẵng, Sửa chữa điện tử công nghiệp tại Đà Nẵng
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng - Giá trị đơn hàng tối thiểu 100,000 vnđ. Quý khách vui lòng chọn mua thêm sản phẩm. Xin cảm ơn!( Sản phẩm)